Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế mới hoặc thiết kế cải tạo nhà sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp trong phạm vi cả nước.
Tiêu chuẩn này không áp dụng để thiết kế nhà và công trình có chức năng sản xuất chất nổ.
Khi thiết kế ngoài việc tuân theo những quy định trong tiêu chuẩn này còn phải tuân theo những quy định trong TCVN 2622:1995 và các quy định có liên quan.
Quy định chung
Cơ cấu một nhà sản xuất bao gồm hai khu: Khu sản xuất và Khu phụ trợ.
Bố trí các khu chức năng của nhà sản xuất phải căn cứ vào dây chuyền công nghệ và điều kiện cụ thể của khu đất xây dựng.
Khi xác định số tầng nhà phải dựa trên cơ sở so sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật giữa các phương án bố trí dây chuyền công nghệ trong các ngôi nhà có số tầng khác nhau.
Diện tích có ích của nhà sản xuất được xác định bằng tổng diện tích sàn của các tầng, hành lang, sàn công tác và tầng lửng.
Diện tích sàn giữa các tường ngăn cháy của nhà sản xuất có bậc chịu lửa bậc II, chiều rộng lớn hơn 60 m quy định trong bảng sau:
Số tầng | Hạng sản xuất | Diện tích sàn cho phép m2 |
1 | A | Không lớn hơn 10.000 |
1 | B | Không lớn hơn 15.000 |
1 | C | Không lớn hơn 25.000 |
2 | B | Không lớn hơn 18.000 |
Không nhỏ hơn 3 | B | Không lớn hơn 12.500 |
Chiều cao từ mặt nền hoàn thiện đến mặt dưới của kết cấu đỡ mái của nhà sản xuất một tầng không có cầu trục, cũng như chiều cao mỗi tầng của nhà sản xuất nhiều tầng lấy không nhỏ hơn 3,6 m.
Chiều cao từ mặt nền hoàn thiện hoặc sàn đến phần nhô ra của mạng lưới kỹ thuật và thiết bị, nếu thường xuyên có người qua lại phải lớn hơn 2,0 m, còn nơi ít người qua lại không được nhỏ hơn 1,8 m.
Trần treo dùng để cách ly các thiết bị và ống dẫn phải thiết kế bằng:
– Vật liệu không cháy nếu mái lợp bằng tôn múi;
– Vật liệu khó cháy nếu mái lợp bằng bê tông cốt thép.
Phải sử dụng cần trục, thang đẩy, giá treo di động… để lắp đặt và sửa chữa hệ thống chiếu sáng. Không cho phép thiết kế sàn cố định để phục vụ các công tác trên.
Khi thiết kế kết cấu nhà sản xuất cần tuân theo các nguyên tắc sau:
– Lựa chọn các giải pháp kết cấu hợp lý trên cơ sở dây chuyền công nghệ đã được duyệt và cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
– Phải nghiên cứu sử dụng thiết kế điển hình các chi tiết và cụm chi tiết, các cấu kiện và công trình đơn vị đã được nhà nước ban hành.
– Phải chọn các loại vật liệu ít bị ảnh hưởng của ăn mòn cho các công trình ven biển. Phải vận dụng tối đa vật liệu địa phương và cấu kiện đúc sẵn hoặc điển hình hóa.
– Phải được tính toán với các tải trọng và tổ hợp tải trọng bất lợi nhất tác động lên kết cấu, kể cả tải trọng gây phá hoại theo thời gian.
TCVN 4604:2012 thay thế TCVN 4604:1988.